“Diễn” thi giáo viên giỏi, chuyện những cái tát... đang là biểu hiện của bệnh thành tích trong giáo dục. Liệu có loại bỏ được bệnh thành tích không?
Ông Phạm Tất Thắng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội - có cuộc trò chuyện về vấn đề này.
- Nếu ví bệnh thành tích như là một “căn bệnh” của ngành giáo dục, theo ông, hiện nay nó đang ở giai đoạn nào?
- Giáo dục là một bộ phận của xã hội. Nên ngoài xã hội có gì, giáo dục cũng có cái đó. Thứ hai, bản thân hoạt động của ngành giáo dục vốn mang tính phong trào. Không những thế, những phong trào đi vào giáo dục còn cần triển khai sâu rộng hơn ngoài xã hội. Vì đặc thù của giáo dục là số lượng học sinh, sinh viên rất đông đảo, cần phải được tổ chức phong trào để giáo dục, được định hướng để tham gia các hoạt động.
Từ năm 2006, ngành giáo dục đã nhận diện được và đã đặt vấn đề chống bệnh thành tích nhưng phải nói là những biểu hiện thành tích trong giáo dục khá nhiều. Nhưng dường như, “căn bệnh mãn tính” này không giảm được bao nhiêu. Bởi vì như hai nguyên nhân đã nêu ở trên, nên việc chống thành tích còn khó khăn.
Diễn” thi giáo viên giỏi, chuyện những cái tát... đang là những biểu hiện của bệnh thành tích trong giáo dục
- Có phải vì thế mà khiến cho các trường, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục không dám nhìn thẳng vào sự thật?
- Sự việc 231 cái tát có biểu hiện của bệnh thành tích khá rõ. Em học sinh bị sao đỏ bắt gặp nói tục, tức là sẽ bị trừ điểm thi đua của lớp. Cô giáo áp dụng hình phạt nghiêm khắc với học sinh đó.
Qua sự việc này có thể thấy khi chống bệnh thành tích trong giáo dục cần xem xét một số yếu tố. Thứ nhất lý do khách quan chống bệnh thành tích trong giáo dục vốn đã khó. Muốn chống nó phải rất quyết tâm, phải tìm ra giải pháp hữu hiệu. Nếu chỉ là chủ trương thì khó đạt được kết quả như mong muốn.
Thứ hai phải xem lại tổ chức hoạt động trong nhà trường. Nếu vẫn tổ chức theo cung cách như hiện nay thì bệnh thành tích vẫn có điều kiện tồn tại. Chính cung cách tổ chức đó, tạo thuận lợi để dung dưỡng bệnh thành tích.
Ví dụ phong trào không thực chất như chấm thi đua, đưa ra các chỉ số đánh giá một cách hình thức… đây là mảnh đất để bệnh thành tích phát triển dù muốn hay không muốn, dù là vô tình.
- Vậy theo ông, bệnh thành tích tác động tiêu cực đến ngành giáo dục như thế nào?
- Đã là bệnh thì không bệnh nào tốt, và đã là bệnh thì sẽ tác động tiêu cực, không có chuyện tác động tích cực. Với giáo dục, nếu chú trọng thành tích sẽ không quan tâm đúng mức đến thực chất, chỉ quan tâm đến bề nổi; nếu quan tâm đến những chỉ số nổi thì sẽ không quan tâm đến chất lượng. Bệnh thành tích đang làm cho nền giáo dục của chúng ta thực sự không có chất lượng.
- Chính vì vậy nó có thể là một nguyên nhân làm cho việc giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên không hiệu quả. Nếu không chú trọng thực chất, bản thân giáo dục văn hóa cũng không đạt kết quả như mong muốn. Vì quá chú trọng đánh giá điểm số, kết quả của các kỳ thi nên không chú trọng xem học sinh có thực sự nắm được kiến thức, có thực sự hiểu, thực sự nhớ lâu hay không, kiến thức đó có vận dụng được vào cuộc sống hay không. Rõ ràng, bệnh thành tích này chúng ta phải kiên quyết chống.
- Đáng ra, học sinh đến trường phải được hạnh phúc. Nhưng dường như bệnh thành tích đang biến các em thành những chú robot để chạy theo các chỉ số do người lớn áp đặt?
- Thực ra, mỗi ngày học sinh đến trường vẫn là ngày vui. Tuy nhiên, nếu giáo dục của chúng ta thực chất hơn, áp lực đối với giáo viên, học sinh không còn, căn bệnh thành tích, các phong trào thi đua hình thức không còn thì chắc chắn việc đến trường của học sinh sẽ vui hơn, hiệu quả hơn. Vì các em không phải tham gia quá nhiều, học quá nhiều.
- Vậy theo ông, giải pháp loại bỏ bệnh thành tích này là gì?
- Thứ nhất, như tôi đã nói giáo dục là một bộ phận của xã hội. Muốn thay đổi gốc rễ thì bản thân xã hội cũng phải thay đổi. Nếu chỉ yêu cầu ngành giáo dục, trường học loay hoay tìm cách thay đổi thì khó. Bởi vì mọi thông tin, mọi diễn biến vẫn tác động vào môi trường giáo dục. Nhưng nói như thế không có nghĩa là không làm được, không có nghĩa là các nhà trường cứ phải chờ xã hội thay đổi.
Các trường, ngành giáo dục phải chủ động chống bệnh thành tích, loại bỏ bệnh thành tích phải trở thành một quyết tâm cao của cả ngành giáo dục, từ trung ương tới địa phương. Đặc biệt là từ lãnh đạo của ngành.
Thứ hai phải có những giải pháp cụ thể. Một trong những giải pháp cụ thể là cách thức tổ chức những phong trào thi đua, việc đánh giá trong ngành, trong nhà trường thực chất, không chỉ là các con số vô hồn, không chỉ là đánh giá thi đua một cách đơn thuần mà phải chú ý đến hiệu quả của giáo dục, cả giáo dục văn hóa, đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên, hiệu quả của phong trào.
Nhưng phải nói rằng tính chất của trường học là phải có phong trào. Vì học sinh là một tập thể, các lớp là một tập thể. Các em cần được giáo dục tính tập thể. Nếu không chú trọng tổ chức hoạt động, chỉ học một cách đơn thuần thì lại không đáp ứng được yêu cầu giáo dục toàn diện.
Do vậy, chúng ta vẫn phải tổ chức các hoạt động phong trào cho học sinh tham gia để giáo dục tính cộng đồng. Tuy nhiên, khó khăn nhất là làm thế nào để phong trào đó thực chất, thu hút học sinh tham gia.
Nguồn: Zing