Chương trình Làm quen tiếng Anh lớp 1-2 được thiết kế hai tiết mỗi tuần. Ba khối tiếp theo học bốn tiết mỗi tuần, còn lại chỉ học ba tiết.
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới được công bố hôm 27/12, tiếng Anh là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Trước đó, trong hai năm đầu ở bậc tiểu học, học sinh sẽ được làm quen với môn học này.
Mục tiêu cơ bản của môn tiếng Anh là giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và kiến thức ngôn ngữ, như: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp; qua đó giúp các em đạt Bậc 3 khi kết thúc cấp THPT theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Đồng thời, môn tiếng Anh bậc phổ thông giúp học sinh hiểu biết khái quát về đất nước, con người và nền văn hóa của một số quốc gia nói tiếng Anh.
Nội dung dạy học trong chương trình môn tiếng Anh (từ lớp 3 đến 12) được thiết kế theo kết cấu đa thành phần, bao gồm hệ thống các chủ điểm, chủ đề; các năng lực giao tiếp liên quan đến chủ điểm, chủ đề; và danh mục kiến thức ngôn ngữ. Nội dung văn hóa được dạy lồng ghép, tích hợp trong đó.
Các chủ điểm được đưa ra phù hợp với từng cấp học, có liên quan chặt chẽ với nhau và được thiết kế lặp lại có mở rộng qua các năm học ở mỗi cấp theo hướng đồng tâm xoắn ốc nhằm củng cố và phát triển năng lực giao tiếp của học sinh.
Tên gọi của các chủ điểm có thể được thay đổi theo cấp học nhằm đáp ứng nhu cầu, mối quan tâm của học sinh. Ban soạn thảo đưa ra gợi ý về các chủ điểm ở cấp tiểu học như Em và những người bạn của em, Em và trường học của em, Em và gia đình em, Em và thế giới quanh em. Với cấp THCS, các chủ điểm sẽ là Cộng đồng của chúng ta, Di sản của chúng ta, Thế giới của chúng ta, Tầm nhìn tương lai. Cấp THPT có: Cuộc sống của chúng ta, Xã hội của chúng ta, Môi trường của chúng ta, Tương lai của chúng ta.
Hệ thống chủ đề được xây dựng trên cơ sở các chủ điểm sao cho có thể bao phủ hết chương trình giáo dục phổ thông. Chủ đề được lựa chọn theo hướng mở. Ví dụ, với chủ điểm Di sản của chúng ta, tác giả sách giáo khoa có thể đưa vào các chủ đề như kỳ quan và địa danh nổi tiếng, lễ hội, phong tục và tập quán, thức ăn và đồ uống, âm nhạc và mỹ thuật...
Cũng tùy vào từng chủ đề, chủ điểm, các năng lực giao tiếp được lựa chọn sao cho phù hợp.
Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Anh cho phép sử dụng nhiều phương pháp, nhấn mạnh vào việc hình thành và phát triển năng lực giao tiếp của học sinh, khả năng sử dụng các quy tắc ngữ pháp để tạo ra các câu đúng và phù hợp thông qua kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Về thời lượng, chương trình Làm quen tiếng Anh với mục tiêu giúp học sinh bước đầu có nhận thức đơn giản nhất được thiết kế với hai tiết mỗi tuần. Từ lớp 3 đến lớp 5, học sinh học bốn tiết mỗi tuần. Ở cấp THCS và THPT, các em học ba tiết mỗi tuần. Tổng thời lượng học tiếng Anh từ lớp 3 đến 12 là 1.155 tiết
Nguồn: vnexpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét