Nhiều trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề cam kết trả lại toàn bộ học phí nếu sinh viên ra trường không có việc làm, đồng thời đảm bảo mức lương khởi điểm 7 triệu đồng.
“Trường cam kết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp lương khởi điểm tối thiểu từ 5 triệu đồng trở lên. Các nghề chất lượng cao, lương khởi điểm từ 7 triệu đồng trở lên. Trường sẽ bồi hoàn toàn bộ học phí nếu sinh viên tốt nghiệp không có việc làm”, ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Cao đẳng Cơ điện Hà Nội (HCEM) - phát biểu tại hội nghị triển khai công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp 2019 diễn ra ngày 11/1 tại Vĩnh Phúc.
Cam kết việc làm và lương sau khi ra trường được coi là một trong những điều giúp giáo dục nghề nghiệp thu hút người học.
Lương khởi điểm 7 triệu đồng
Không chỉ Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, trong đợt tuyển sinh năm 2018, 26 trường cao đẳng, trung cấp nghề cam kết học sinh ra trường có việc làm. Nếu không, trường sẽ trả lại học phí.
Hiệu trưởng Cao đẳng Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc cam kết sinh viên trường CĐ Cơ điện Hà Nội ra trường đạt lương khởi điểm từ 5 triệu đồng. Ảnh: HCEM. |
Trong quá trình đào tạo, bên cạnh việc chú trọng thực hành, các trường liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Điều này giúp đưa ra chương trình đào tạo bám sát yêu cầu đối với nhân lực của doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để sinh viên thực hành, đồng thời kiếm việc làm sau khi ra trường.
Năm 2018, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chú trọng thực hiện gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động (doanh nghiệp), việc làm bền vững và an sinh xã hội.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết theo thống kê từ các ban ngành địa phương, 70% người học nghề có việc làm ngay, thu nhập tốt. Tổng cục kỳ vọng đến năm 2030, chỉ tiêu này được nâng lên 90%.
Trong năm 2019, tổng cục đặt nhiệm vụ gắn kết hơn nữa đào tạo nghề với thị trường lao động. Trong đó, công tác truyền thông được chú trọng, sâu rộng hơn đến các doanh nghiệp địa phương, huy động họ tham gia đào tạo.
Ngoài ra, tổng cục mở rộng thực hiện đào tạo theo cơ chế, đấu thầu, đặt hàng hoặc đặt hàng giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đồng thời có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tự tổ chức đào tạo cho người lao động và hợp tác với các trường cao đẳng, trung cấp nghề.
Bên cạnh cam kết của các trường, giải pháp gắn kết doanh nghiệp là yếu tố đảm bảo cơ hội việc làm cho người học, giúp họ tự tin hơn khi lựa chọn học nghề.
Theo chia sẻ từ nhiều trường cao đẳng, được cam kết việc làm mang lại cơ hội cạnh tranh tuyển sinh cho giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt khi nhiều người, kể cả giáo viên THPT, vẫn coi đây là “chiếu dưới” trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Họ cho rằng nếu thông tin về tỷ lệ người học có việc làm cùng mức lương khởi điểm đến được với số đông, việc phân luồng học sinh sẽ có chuyển biến tích cực. Số lượng học sinh chọn học nghề sau tốt nghiệp sẽ không chỉ dừng lại ở con số 30% (mục tiêu số học sinh chọn học nghề năm 2020 - PV).
Ông Nguyễn Quốc Huy - Cao đẳng nghề Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh - khẳng định việc làm và thu nhập là yếu tố thu hút người học. Ngoài ra, cam kết về vị trí việc làm cũng rất quan trọng.
Theo ông, việc truyền thông giáo dục nghề nghiệp cần giúp học sinh hiểu không chỉ đại học mà giáo dục nghề nghiệp cũng có thể giúp các em có việc làm tốt.
Tuyển sinh 2,26 triệu người
Dù nhiều trường cam kết việc làm và thu nhập, trả lại học phí nếu không tìm được việc, công tác tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, ông Trương Anh Dũng cho biết theo quy hoạch chiến phát triển nhân lực, đến năm 2035, trên 80% nhân lực phải qua đào tạo nghề.
Để làm được điều đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đặt mục tiêu nâng tỷ lệ học sinh chọn học nghề sau tốt nghiệp THCS từ 10% lên 30% vào năm 2020.
Trước mắt, trong năm 2019, tổng cục dự kiến tuyển sinh 2,26 triệu người. Trong đó, trung cấp và cao đẳng là 560 nghìn người. Sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 1,7 triệu người.
Ông Trương Anh Dũng cho rằng nhu cầu học và mong muốn của người dân về giáo dục nghề nghiệp còn mâu thuẫn với nhu cầu thực tế. Ảnh: Nguyễn Sương. |
Ngoài ra, tổng cục sẽ hỗ trợ dạy nghề cho 950 nghìn lao động nông thôn, bao gồm 20.000 người khuyết tật. Tổng cục cũng đặt mục tiêu gần 2,2 triệu người tốt nghiệp học nghề (495 nghìn người cao đẳng và trung cấp, 1,7 triệu người sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác).
Mạng lưới giáo dục nghề nghiệp cần được phát triển thêm với 1.930 cơ sở vào năm 2019, gồm 390 trường cao đẳng (95 trường ngoài công lập), 505 trường trung cấp (218 trường ngoài công lập) và 1.035 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (380 trung tâm ngoài công lập).
Ông Trường Anh Dũng nhận định giáo dục nghề nghiệp ở nước ta còn nhiều khó khăn, một phần do số lượng người học, nhu cầu học và mong muốn của người dân mâu thuẫn với thực tế.
Trên thực tế, trong suy nghĩ của nhiều học sinh, giáo viên và phụ huynh, đại học vẫn là lựa chọn hàng đầu. Công tác hướng nghiệp chưa được chú trọng, không ít giáo viên khuyên học sinh vào đại học bằng mọi giá.
Do đó, những năm qua, nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán, Ngoại ngữ không tìm được việc làm, giấu bằng đại học để đăng ký theo học trường nghề.
Chính vì thế, trong năm 2019, bên cạnh các giải pháp gắn kết doanh nghiệp, đặt ra chuẩn đầu ra, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chú trọng truyền thông đến đối tượng học sinh, nhà trường nhằm thay đổi tư duy về học nghề.
Nguồn: Zing
0 nhận xét:
Đăng nhận xét