Học tiếng Anh cấp tốc cùng Benative

Học tiếng Anh cấp tốc hiệu quả cùng Benative

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2019

Chống bệnh thành tích trong giáo dục không dễ

“Diễn” thi giáo viên giỏi, chuyện những cái tát... đang là biểu hiện của bệnh thành tích trong giáo dục. Liệu có loại bỏ được bệnh thành tích không?

Ông Phạm Tất Thắng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội - có cuộc trò chuyện về vấn đề này.

- Nếu ví bệnh thành tích như là một “căn bệnh” của ngành giáo dục, theo ông, hiện nay nó đang ở giai đoạn nào?

- Giáo dục là một bộ phận của xã hội. Nên ngoài xã hội có gì, giáo dục cũng có cái đó. Thứ hai, bản thân hoạt động của ngành giáo dục vốn mang tính phong trào. Không những thế, những phong trào đi vào giáo dục còn cần triển khai sâu rộng hơn ngoài xã hội. Vì đặc thù của giáo dục là số lượng học sinh, sinh viên rất đông đảo, cần phải được tổ chức phong trào để giáo dục, được định hướng để tham gia các hoạt động.

Từ năm 2006, ngành giáo dục đã nhận diện được và đã đặt vấn đề chống bệnh thành tích nhưng phải nói là những biểu hiện thành tích trong giáo dục khá nhiều. Nhưng dường như, “căn bệnh mãn tính” này không giảm được bao nhiêu. Bởi vì như hai nguyên nhân đã nêu ở trên, nên việc chống thành tích còn khó khăn.

“Diễn” thi giáo viên giỏi, chuyện những cái tát... đang là những biểu hiện của bệnh thành tích trong giáo dục
Diễn” thi giáo viên giỏi, chuyện những cái tát... đang là những biểu hiện của bệnh thành tích trong giáo dục


- Có phải vì thế mà khiến cho các trường, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục không dám nhìn thẳng vào sự thật?

- Sự việc 231 cái tát có biểu hiện của bệnh thành tích khá rõ. Em học sinh bị sao đỏ bắt gặp nói tục, tức là sẽ bị trừ điểm thi đua của lớp. Cô giáo áp dụng hình phạt nghiêm khắc với học sinh đó.

Qua sự việc này có thể thấy khi chống bệnh thành tích trong giáo dục cần xem xét một số yếu tố. Thứ nhất lý do khách quan chống bệnh thành tích trong giáo dục vốn đã khó. Muốn chống nó phải rất quyết tâm, phải tìm ra giải pháp hữu hiệu. Nếu chỉ là chủ trương thì khó đạt được kết quả như mong muốn.

Thứ hai phải xem lại tổ chức hoạt động trong nhà trường. Nếu vẫn tổ chức theo cung cách như hiện nay thì bệnh thành tích vẫn có điều kiện tồn tại. Chính cung cách tổ chức đó, tạo thuận lợi để dung dưỡng bệnh thành tích.

Ví dụ phong trào không thực chất như chấm thi đua, đưa ra các chỉ số đánh giá một cách hình thức… đây là mảnh đất để bệnh thành tích phát triển dù muốn hay không muốn, dù là vô tình.

- Vậy theo ông, bệnh thành tích tác động tiêu cực đến ngành giáo dục như thế nào?

- Đã là bệnh thì không bệnh nào tốt, và đã là bệnh thì sẽ tác động tiêu cực, không có chuyện tác động tích cực. Với giáo dục, nếu chú trọng thành tích sẽ không quan tâm đúng mức đến thực chất, chỉ quan tâm đến bề nổi; nếu quan tâm đến những chỉ số nổi thì sẽ không quan tâm đến chất lượng. Bệnh thành tích đang làm cho nền giáo dục của chúng ta thực sự không có chất lượng.

- Chính vì vậy nó có thể là một nguyên nhân làm cho việc giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên không hiệu quả. Nếu không chú trọng thực chất, bản thân giáo dục văn hóa cũng không đạt kết quả như mong muốn. Vì quá chú trọng đánh giá điểm số, kết quả của các kỳ thi nên không chú trọng xem học sinh có thực sự nắm được kiến thức, có thực sự hiểu, thực sự nhớ lâu hay không, kiến thức đó có vận dụng được vào cuộc sống hay không. Rõ ràng, bệnh thành tích này chúng ta phải kiên quyết chống.

- Đáng ra, học sinh đến trường phải được hạnh phúc. Nhưng dường như bệnh thành tích đang biến các em thành những chú robot để chạy theo các chỉ số do người lớn áp đặt?

- Thực ra, mỗi ngày học sinh đến trường vẫn là ngày vui. Tuy nhiên, nếu giáo dục của chúng ta thực chất hơn, áp lực đối với giáo viên, học sinh không còn, căn bệnh thành tích, các phong trào thi đua hình thức không còn thì chắc chắn việc đến trường của học sinh sẽ vui hơn, hiệu quả hơn. Vì các em không phải tham gia quá nhiều, học quá nhiều.

- Vậy theo ông, giải pháp loại bỏ bệnh thành tích này là gì?

- Thứ nhất, như tôi đã nói giáo dục là một bộ phận của xã hội. Muốn thay đổi gốc rễ thì bản thân xã hội cũng phải thay đổi. Nếu chỉ yêu cầu ngành giáo dục, trường học loay hoay tìm cách thay đổi thì khó. Bởi vì mọi thông tin, mọi diễn biến vẫn tác động vào môi trường giáo dục. Nhưng nói như thế không có nghĩa là không làm được, không có nghĩa là các nhà trường cứ phải chờ xã hội thay đổi.

Các trường, ngành giáo dục phải chủ động chống bệnh thành tích, loại bỏ bệnh thành tích phải trở thành một quyết tâm cao của cả ngành giáo dục, từ trung ương tới địa phương. Đặc biệt là từ lãnh đạo của ngành.

Thứ hai phải có những giải pháp cụ thể. Một trong những giải pháp cụ thể là cách thức tổ chức những phong trào thi đua, việc đánh giá trong ngành, trong nhà trường thực chất, không chỉ là các con số vô hồn, không chỉ là đánh giá thi đua một cách đơn thuần mà phải chú ý đến hiệu quả của giáo dục, cả giáo dục văn hóa, đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên, hiệu quả của phong trào.

Nhưng phải nói rằng tính chất của trường học là phải có phong trào. Vì học sinh là một tập thể, các lớp là một tập thể. Các em cần được giáo dục tính tập thể. Nếu không chú trọng tổ chức hoạt động, chỉ học một cách đơn thuần thì lại không đáp ứng được yêu cầu giáo dục toàn diện.

Do vậy, chúng ta vẫn phải tổ chức các hoạt động phong trào cho học sinh tham gia để giáo dục tính cộng đồng. Tuy nhiên, khó khăn nhất là làm thế nào để phong trào đó thực chất, thu hút học sinh tham gia.

Nguồn: Zing

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2019

Tết với nồi bánh chưng… có cánh

Mấy chục năm qua tôi đã đón đủ các loại Tết tây, Tết ta nhưng đọng lại trong tôi lâu hơn cả vẫn là những cái Tết nghèo.
Bánh chưng tết

Cái Tết tôi nhớ nhất lại là cái Tết nửa vui nửa buồn hồi đầu thập niên 1980.

Tết năm đó tôi đang được ở với ông bà nội ở Ân Thi thuộc tỉnh Hải Hưng mà sau này tách thành Hưng Yên và Hải Dương. Tôi thích ở với ông bà nhất vì được chiều. Học bao nhiêu thì học mà không học thì thôi, ông bà chẳng bao giờ ép. Chơi thì cứ thoải mái đi.

Bố tôi bận làm việc trên Hà Nội và không có tài gà trống nuôi con. Mẹ tôi đã mặc cả với bố tôi từ Tết trước là bố tôi phải nuôi ông con trai lớn là tôi, còn mẹ tôi chỉ nuôi hai cô em gái thôi. Bố tôi chắc buồn lắm còn tôi thì vui vì vậy là có cơ hội lên thủ đô, chẳng còn cảnh viết xấu là bị vụt thước kẻ vào tay nữa.

Vậy là trong năm học lớp sáu đó tôi đã chuyển trường không phải lên thủ đô mà còn về chỗ quê hơn nữa, từ thị xã Hưng Yên về luôn Ân Thi. Thay vì đưa tôi lên Hà Nội, bố tôi đã thông minh nghĩ ngay ra cách đưa tôi về nhờ ông bà chăm. Tôi có thoáng buồn vì mộng lên thủ đô đã tan đi nhanh chóng nhưng sau đó là những chuỗi ngày vui bất tận. Tôi được thoải mái đi lấy nhựa mít để bắt chuồn chuồn giữa trưa nắng. Mới hơn 10 tuổi đã tự đi câu tôm, câu cá về rang lên ăn và tự thấy mình siêu quá. Tôi từ thị xã về học vẫn giỏi hơn các bạn trường làng nên được các bạn quý. Có bạn gần như sáng nào cũng rủ tôi qua nhà ăn cơm rang và cùng đi học để ôn bài chung.

Dịp giáp Tết là lúc tôi được thức khuya, dậy sớm cùng bà đi chợ phiên. Bà tôi buôn mắm tôm và nước mắm từ Hải Phòng về quê bán. Sáng sáng hai bà cháu dậy từ bốn, năm giờ sáng gánh hàng đi bộ cả tiếng đồng hồ để kịp tới các chợ bầy hàng bán. Chợ ngày đó không họp cả tuần mà chỉ một, hai hay ba phiên một tuần tuỳ chợ nên bà tôi phải đi khắp nơi. Nhiều hôm gặp trời mưa, hai bà cháu đi dép được một đoạn thì chỉ còn chân đất vì dép gặp bùn đất dính không nhấc chân lên được.

Chợ Tết hiển nhiên là vui hơn với đủ thứ mùi - đào, quất, rau mùi, hành lá và cả mùi ngô luộc mà bà tôi thường mua về thưởng cho tôi sau những lúc tôi ngồi trông hàng cho bà. Ông bà tôi cũng có đất canh tác và dịp Tết đến cũng là lúc thu hoạch su hào, bắp cải, hành, mùi đem bán lấy tiền mua tôm cá, măng miến, mứt Tết và những thứ khác. Những món khoái khẩu của tôi khi đó là cá kho, dưa muối và bánh chưng. Nhưng Tết năm đó nhà tôi không có bánh chưng.

Ông nội tôi phụ trách việc luộc bánh chưng. Bà tôi và người thím nấu các món khác. Tôi chạy quanh, thỉnh thoảng được nhờ giúp việc vặt như lấy thêm một ít rơm vào bếp hay đổ thêm ít trấu. Ông tôi điếc nặng. Có lẽ nhờ thế mà ông bà tôi sống khá hoà thuận. Bà cáu gắt ông cũng chẳng biết. Cáu lắm bà ghé sát tai ông nói thì ông cũng chỉ “cái nhà bà này” rồi thôi. Tôi chẳng thấy ông to tiếng bao giờ. Còn bà lúc nào cũng bắt nạt ông. Năm đó ông vừa luộc bánh chưng vừa gà gật. Thế là trộm nó bê cả cái nồi đi lúc nào không biết. Ông chạy đôn chạy đáo đi tìm nhưng làm sao thấy. Bà thì chửi cho thằng trộm “đi đằng đông chết đằng đông, đi đằng tây chết đằng tây” và cho nó ăn rất nhiều món ngon và bổ. Nhưng mất vẫn hoàn mất. Tết đến vẫn không có bánh chưng. Nhưng có mấy bánh pháo tét. Sáng mồng một mùi hoa bưởi quyện với mùa pháo đón chào năm mới mà mọi thứ chẳng có gì mới. Tôi thế nào cũng được tiền mừng tuổi. Bố mẹ tôi thể nào cũng sẽ cãi nhau trong mấy ngày Tết. Tôi thể nào cũng chui ra sau nhà giỏng tai nghe Chí Cường đọc chuyện Thuỷ Hử trên Đài phát thanh Bắc Kinh phát đi từ đài nhà hàng xóm. Mọi ngày tôi thường sang nhà người ta nghe nhưng Tết đến bà bảo không nên sang. Tôi thể nào cũng về nhà thím Hảo, người tôi quý chẳng kém gì mẹ. Thật tiếc sau này tôi không còn gặp thím nữa. Con trai thím về nhà bà ngoại chơi và ngã xuống ao. Bà ngoại thuê người gọi hồn cậu em bốn tuổi của tôi và người ta bảo hồn em từ ao đi lên vì có vết chân trên tro mà họ rải lên tấm gỗ bắc từ ao lên. Chú thím tôi chia tay ít lâu sau đó.

Từ quê nội, tôi lên xe đạp về quê ngoại cùng mẹ. Hai quê cách nhau hơn chục cây số và có hè ông nội và tôi đã đi xe căng hải về thăm ông ngoại. Đi và về trong ngày mà không hiểu sao ngày đó tôi chẳng ngại ngần gì, ông bảo đi là đi. Món ăn nhà nghèo ngày Tết đâu cũng giống nhau – gà luộc, xôi gấc, giò, chả… Tôi còn khoái món đốt pháo. Kiếm được quả pháo đùng có ngòi dài, bật lửa đốt, chạy một đoạn rồi bịt tai xem nó nổ là khoái lắm.
Mẹ tôi về Tết chớp nhoáng đảo nhoàng rồi đi. Bác gái, bố và chú tôi ở lâu hơn. Nhưng khoảng mồng ba, mồng bốn là hết Tết, mọi người lại đổ đi các nơi kiếm ăn. Bà lại kéo tôi lên nhà một ông thầy cúng để dâng lễ cầu mong một năm yên ấm cho cả nhà. Thế rồi Tết hết, năm mới đã đến, cả nhà lại chỉ còn hai ông bà và tôi. Ông ngày ra đồng, bà chạy chợ, tôi đến trường. Tối về bà lại đọc cho tôi mấy câu:
“Ngày trước có anh Trương Chi
Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay
Cô Mỵ Nương vốn ở lầu Tây
Con quan thừa tướng ngày rày cô cấm cung…


Giờ Tết đã khác xưa. Gần 20 năm qua tôi hầu hết đều xa nhà mỗi khi Tết đến. Tôi giờ cũng đã có con lớn và đối với chúng Giáng Sinh quan trọng hơn cả. Tết ta đến chúng vẫn đi học, tôi vẫn đi làm. Nhưng năm nào tôi cũng vẫn làm mâm cơm cúng mời ông bà không quản xa xôi sang ăn Tết với tôi. Năm nay tôi sẽ báo với ông bà cậu con cả của tôi đã được Đại học Cambridge của Anh nhận vào học ngoại ngữ, tiếng Đức và tiếng Ý trong bốn năm từ tháng 9/2019 trong đó có một năm học tại Đức. Ông bà tôi sẽ mừng và vui cả năm vì trong nhà giờ đã có người vào được trường hàng đầu thế giới. Năm mới cũng xin kính chúc quý độc giả vạn sự như ý và xin được nghe những kỷ niệm về Tết của mọi nhà.
Nguồn: Voatiengviet

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

Mẹo hữu ích trong giao tiếp tiếng Anh

Khi lắng nghe người kia nói, bạn có thể chọn từng từ hoặc câu cảm thán thích hợp như "Wow!", "That's great!".

Bạn có thường gặp khó khăn khi cố diễn đạt suy nghĩ bằng ngôn ngữ khác? Hay khi tìm được cơ hội để luyện tập, bạn cũng không biết phải nói gì? Những lưu ý dưới đây giúp bạn tự tin hơn khi giao tiếp tiếng Anh

Mở đầu cuộc hội thoại

Những chủ đề an toàn gồm thời tiết, công việc, thể thao và sở thích. 

Where are you from? Đây thường là câu hỏi đầu tiên để làm quen. Bạn có thể trả lời tên nước hoặc địa danh cụ thể, chẳng hạn "I'm from England' hay "I'm from Dallas".

Is this your first trip to New York? Bạn có thể dùng câu này với du khách.

Hoc giao tiep tieng Anh


What do you do for a living? Câu này tương đương "Where do you work?" hay "What’s your job?". It’s hot today, isn’t it? Bàn luận về thời tiết rất phổ biến trong giao tiếp, đặc biệt là ở Anh. 

Did you see the match last night? Thể thao là chủ đề lôi cuốn, nhưng có thể dẫn đến tranh cãi nếu hai người ủng hộ hai đội khác nhau.

Chủ đề cần tránh

Tùy văn hóa mỗi quốc gia, vùng miền, chủ đề nhạy cảm có thể khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, bạn nên tránh nói về chính trị, tôn giáo, tuổi tác và tình trạng hôn nhân. 

How old are you? Hỏi tuổi là việc thiếu tế nhị ở các nước phương Tây, đặc biệt là khi đàn ông hỏi phụ nữ. 

Have you put on weight? Bạn không nên bình luận về cân nặng của người khác, trừ khi mối quan hệ giữa cả hai rất thân thiết. 

How much do you earn? Đa số cảm thấy ngượng ngùng hoặc khó chịu khi bị hỏi mức lương. 

Mẹo nhỏ

Bạn có thể kéo dài cuộc trò chuyện bằng cách thêm vào các câu hỏi chi tiết. Chẳng hạn, khi ai đó nói "I saw a really good film last night", bạn hãy hỏi tiếp: "Really? What was it about?".

Ngoài ra, những từ hoặc câu cảm thán sẽ thể hiện bạn đang nghiêm túc lắng nghe: "Oh?", "Wow!", "That's great!" hay "That's too bad". 


Nguồn: vnexpress

>> Tham gia thi thử TOEIC tại: https://vieclam123.vn/de-thi-thu-toeic-online

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2019

Trường cam kết lương 7 triệu, trả học phí nếu sinh viên thất nghiệp

Nhiều trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề cam kết trả lại toàn bộ học phí nếu sinh viên ra trường không có việc làm, đồng thời đảm bảo mức lương khởi điểm 7 triệu đồng.

“Trường cam kết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp lương khởi điểm tối thiểu từ 5 triệu đồng  trở lên. Các nghề chất lượng cao, lương khởi điểm từ 7 triệu đồng trở lên. Trường sẽ bồi hoàn toàn bộ học phí nếu sinh viên tốt nghiệp không có việc làm”, ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Cao đẳng Cơ điện Hà Nội (HCEM) - phát biểu tại hội nghị triển khai công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp 2019 diễn ra ngày 11/1 tại Vĩnh Phúc.

Cam kết việc làm và lương sau khi ra trường được coi là một trong những điều giúp giáo dục nghề nghiệp thu hút người học.

Lương khởi điểm 7 triệu đồng

Không chỉ Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, trong đợt tuyển sinh năm 2018, 26 trường cao đẳng, trung cấp nghề cam kết học sinh ra trường có việc làm. Nếu không, trường sẽ trả lại học phí.

Truong cam ket luong 7 trieu, tra hoc phi neu sinh vien that nghiep hinh anh 1
Hiệu trưởng Cao đẳng Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc cam kết sinh viên trường CĐ Cơ điện Hà Nội ra trường đạt lương khởi điểm từ 5 triệu đồng. Ảnh: HCEM.

Trong quá trình đào tạo, bên cạnh việc chú trọng thực hành, các trường liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Điều này giúp đưa ra chương trình đào tạo bám sát yêu cầu đối với nhân lực của doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để sinh viên thực hành, đồng thời kiếm việc làm sau khi ra trường.

Năm 2018, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chú trọng thực hiện gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động (doanh nghiệp), việc làm bền vững và an sinh xã hội.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết theo thống kê từ các ban ngành địa phương, 70% người học nghề có việc làm ngay, thu nhập tốt. Tổng cục kỳ vọng đến năm 2030, chỉ tiêu này được nâng lên 90%.

Trong năm 2019, tổng cục đặt nhiệm vụ gắn kết hơn nữa đào tạo nghề với thị trường lao động. Trong đó, công tác truyền thông được chú trọng, sâu rộng hơn đến các doanh nghiệp địa phương, huy động họ tham gia đào tạo.

Ngoài ra, tổng cục mở rộng thực hiện đào tạo theo cơ chế, đấu thầu, đặt hàng hoặc đặt hàng giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đồng thời có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tự tổ chức đào tạo cho người lao động và hợp tác với các trường cao đẳng, trung cấp nghề.

Bên cạnh cam kết của các trường, giải pháp gắn kết doanh nghiệp là yếu tố đảm bảo cơ hội việc làm cho người học, giúp họ tự tin hơn khi lựa chọn học nghề.

Theo chia sẻ từ nhiều trường cao đẳng, được cam kết việc làm mang lại cơ hội cạnh tranh tuyển sinh cho giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt khi nhiều người, kể cả giáo viên THPT, vẫn coi đây là “chiếu dưới” trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Họ cho rằng nếu thông tin về tỷ lệ người học có việc làm cùng mức lương khởi điểm đến được với số đông, việc phân luồng học sinh sẽ có chuyển biến tích cực. Số lượng học sinh chọn học nghề sau tốt nghiệp sẽ không chỉ dừng lại ở con số 30% (mục tiêu số học sinh chọn học nghề năm 2020 - PV).

Ông Nguyễn Quốc Huy - Cao đẳng nghề Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh - khẳng định việc làm và thu nhập là yếu tố thu hút người học. Ngoài ra, cam kết về vị trí việc làm cũng rất quan trọng.

Theo ông, việc truyền thông giáo dục nghề nghiệp cần giúp học sinh hiểu không chỉ đại học mà giáo dục nghề nghiệp cũng có thể giúp các em có việc làm tốt.

Tuyển sinh 2,26 triệu người

Dù nhiều trường cam kết việc làm và thu nhập, trả lại học phí nếu không tìm được việc, công tác tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, ông Trương Anh Dũng cho biết theo quy hoạch chiến phát triển nhân lực, đến năm 2035, trên 80% nhân lực phải qua đào tạo nghề.

Để làm được điều đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đặt mục tiêu nâng tỷ lệ học sinh chọn học nghề sau tốt nghiệp THCS từ 10% lên 30% vào năm 2020.

Trước mắt, trong năm 2019, tổng cục dự kiến tuyển sinh 2,26 triệu người. Trong đó, trung cấp và cao đẳng là 560 nghìn người. Sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 1,7 triệu người.

Truong cam ket luong 7 trieu, tra hoc phi neu sinh vien that nghiep hinh anh 2
Ông Trương Anh Dũng cho rằng nhu cầu học và mong muốn của người dân về giáo dục nghề nghiệp còn mâu thuẫn với nhu cầu thực tế. Ảnh: Nguyễn Sương.

Ngoài ra, tổng cục sẽ hỗ trợ dạy nghề cho 950 nghìn lao động nông thôn, bao gồm 20.000 người khuyết tật. Tổng cục cũng đặt mục tiêu gần 2,2 triệu người tốt nghiệp học nghề (495 nghìn người cao đẳng và trung cấp, 1,7 triệu người sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác).

Mạng lưới giáo dục nghề nghiệp cần được phát triển thêm với 1.930 cơ sở vào năm 2019, gồm 390 trường cao đẳng (95 trường ngoài công lập), 505 trường trung cấp (218 trường ngoài công lập) và 1.035 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (380 trung tâm ngoài công lập).
Ông Trường Anh Dũng nhận định giáo dục nghề nghiệp ở nước ta còn nhiều khó khăn, một phần do số lượng người học, nhu cầu học và mong muốn của người dân mâu thuẫn với thực tế.

Trên thực tế, trong suy nghĩ của nhiều học sinh, giáo viên và phụ huynh, đại học vẫn là lựa chọn hàng đầu. Công tác hướng nghiệp chưa được chú trọng, không ít giáo viên khuyên học sinh vào đại học bằng mọi giá.

Do đó, những năm qua, nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán, Ngoại ngữ không tìm được việc làm, giấu bằng đại học để đăng ký theo học trường nghề.

Chính vì thế, trong năm 2019, bên cạnh các giải pháp gắn kết doanh nghiệp, đặt ra chuẩn đầu ra, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chú trọng truyền thông đến đối tượng học sinh, nhà trường nhằm thay đổi tư duy về học nghề.

Nguồn: Zing

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2019

Vụ hiệu trưởng bị tố bóp cổ học sinh: Gia đình xin lỗi thầy, rút đơn tường trình

Liên quan đến việc phụ huynh học sinh tại trường THCS Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) tố thầy hiệu trưởng có hành vi bóp cổ học sinh ngay tại phòng làm việc, gia đình đã lên tiếng xin lỗi thầy hiệu trưởng và rút lại đơn tường trình gửi cơ quan chức năng.

Thầy Phạm Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn, cho biết: Sáng 6/1, trong khi đi kiểm tra, thầy có đi qua lớp 8D. Lúc này, cô giáo bộ môn chưa đến, phát hiện có một tốp học sinh đang hát nên thầy Hùng nhắc nhở các em giữ trật tự.
Trường THCS Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa
Trường THCS Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa


Tuy nhiên, lúc đó thầy Hùng có nghe tiếng một học sinh chửi mình nên có mời em T.N.Đ. lên văn phòng làm việc. Thầy Hùng khẳng định không bóp cổ học sinh và mong các cơ quan điều tra làm rõ vụ việc.
“Khi tôi mời em Đ. lên văn phòng làm việc nhưng em không nhận mình là người chửi nên tôi đã mời thêm 3 em cùng bàn với Đ. lên để hỏi. Khi nghe các em này bảo Đ. chửi thầy nên tôi đã đưa Đ. sang phòng truyền thống để viết bản tường trình. Trong quá trình làm việc với em Đ., tôi không hề bóp cổ em D.”, thầy Hùng khẳng định.
Cũng theo trình bày của thầy Hùng, sau khi sự việc xảy ra, bản thân thầy rất buồn và cũng đã nhờ cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ. Qua làm việc với công an, chính quyền, gia đình em Đ. đã xác nhận không có việc thầy giáo bóp cổ hay đánh đập em Đ., đồng thời gia đình cũng xin lỗi tôi về việc gửi bản tường trình có chữ ký của phụ huynh về công an phường và đã xin rút bản tường trình lại.
Chị Vũ Thị Th. (mẹ em Đ.), cho biết, khi đi làm về có nghe người khác trao đổi lại về sự việc trên, vì bức xúc nên chị đã làm đơn trình báo lên phường.

Theo chị Th., sau khi xác minh lại sự việc, do con chị hoảng loạn và vì không thích việc thầy hay phê bình nên cháu Đ. nói vậy.
Chị Th. thừa nhận lỗi là do gia đình khi nghe cháu nói thế, vì thương con và bức xúc nên mới làm vậy. 
“Giờ thấy mình hiểu lầm thầy nên gia đình tôi đã xin lỗi thầy cũng như rút đơn trình báo sự việc trên phường”, chị Th. cho biết.
Về vết xước nhỏ ở cổ của con mình, chị Th. cho biết là do cháu đánh nhau với các bạn khi nào không biết.
Theo em T.N.Đ. trình bày, hôm đó, em đang cùng các bạn hát bài chế cổ vũ bóng đá thì thầy Hùng đi qua bắt gặp nên gọi em lên văn phòng viết bản kiểm điểm. Khi em lên đến văn phòng thì thầy túm cổ áo. Do sợ quá, em vùng chạy nên cúc áo quệt vào cổ rồi có vết xước chứ thầy không đánh và bóp cổ em.

Gia đình đã xin lỗi vì hiểu nhầm thầy và rút đơn tường trình.
Gia đình đã xin lỗi vì hiểu nhầm thầy và rút đơn tường trình.


Trước đó, như Dân trí phản ánh, theo tường trình của gia đình, vào sáng ngày 6/1, em T.N.Đ (14 tuổi, con trai chị Th.), đang học lớp 8D, trường THCS Quảng Cư đến trường học bù ngày nghỉ Tết dương lịch thì bị thầy hiệu trưởng dùng tay bóp cổ.
Bức xúc trước cách hành xử việc trên, gia đình đề nghị cơ quan chức năng làm rõ sự việc. Sau khi nhận được thông tin, đại diện Phòng GD&ĐT đã làm việc với nhà trường để xác minh cụ thể vụ việc. Lãnh đạo Phòng GD&ĐT cùng nhà trường đã thăm hỏi, động viên học sinh và phụ huynh.

Nguồn: Dân trí

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2019

Học tiếng Anh: Phân biệt cực nhanh và chuẩn âm /s/ và /z/

Âm /s/ và /z/ rất khó phân biệt nếu như bạn không nắm chắc được cách đọc của các từ vựng tiếng Anh đó, tuy nhiên, không gì là không thể nếu bạn chăm chỉ và nỗ lực học tập đúng không nào? Bài học này sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong việc học và ôn tập đó!

Bước 1: Xem video hướng dẫn


Hãy đảm bảo bạn đã xem hết video hướng dẫn ít nhất 1 lần. Bởi video bao gồm các hình ảnh, ví dụ minh họa đầy đủ, chi tiết, các góc quay cận cảnh khuôn miệng, góc mặt khi phát âm, điều này giúp các bạn có thể dễ dàng học tập, ôn tập, và phát hiện ra những lỗi sai mình hay mắc phải.

Xem video còn giúp cho bạn dễ dàng ghi nhớ hơn, bởi não bộ ưu tiên việc ghi nhớ các hình ảnh, nội dung có sự đặc sắc gây ấn tượng với não hơn là các thứ nhàm chán xuất hiện hàng ngày (ý là các chữ viết thông thường trên sách vở khiến bạn nhàm chán, khó nhớ).

Bước 2: Tổng hợp kiến thức

Trước khi bắt đầu, chúng ta cần phải làm rõ được 2 khái niệm sau: âm vô thanh và âm hữu thanh.

• Âm hữu thanh là các âm được phát âm xuất phát từ cổ họng. Khi phát âm chúng ta sẽ cảm nhận được sự rung của dây thanh quản. Các âm hữu thanh bao gồm: /b/, /d/, /g/, /v/, /δ/, /z/, /ʒ/, /dʒ/, /m/, /n/, /ng/, /l/, /r/, /y/, /w/.

• Âm vô thanh là các âm được phát âm nhưng không làm rung dây thanh quản, chúng giống như những tiếng động nhẹ như tiếng xì xì, tiếng bật, tiếng gió bởi vì những âm này được tạo ra từ luồng không khí ở trong miệng chứ không phải là luồng hơi từ cổ họng. Các âm vô thanh bao gồm: /p/, /t/, /k/, /f/, /θ/, /s/, /∫/, / t∫/, /h/.

Qua 2 khái niệm trên, chúng ta cũng đã hiểu được sơ qua về các âm vô thanh và hữu thanh rồi đúng không?

Cách phát âm âm /s/:

• Chú ý: Đây là một âm vô thanh.

• Nâng bề mặt lưỡi lên gần với vòm lợi, nhưng không chạm vòm lợi. Sau đó để luồng hơi thoát ra từ khe hở hẹp giữa lưỡi và vòm lợi trên.

Thực hành phát âm âm /s/:

VD từ đơn:

• Star: /stɑː(r)/: Ngôi sao.

• Seen: /siːn/: Đã thấy.

• Sister: /ˈsɪstə(r)/: Chị gái.

• Smile: /smaɪl/: Cười

• Sunglasses: /ˈsʌnɡlɑːsɪz/: Kính râm.

VD với câu hoàn thiện:

• Sweet smile: Nụ cười ngọt ngào.

• Stars twinkle in the sky: Những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời.

• My sister often sings in the sea: Chị gái tôi thường xuyên hát ở biển.

Cách phát âm âm /z/:

• Chú ý: Đây là một âm hữu thanh.

• Tạo khẩu hình miệng giống âm /s/ nhưng hơi đi ra yếu hơn.

• Dây thanh quản rung khi phát âm âm này.

Thực hành phát âm âm /z/:

VD từ đơn:

• Zoo: /zuː/: Vườn thú.

• Music: /ˈmjuːzɪk: Âm nhạc.

• Busy: /ˈbɪzi/: Bận.

• Lazy: /ˈleɪzi/: Lười.

• Dozen: /ˈdʌzn/: Tá.

VD câu hoàn thiện:

• Jazz music: Nhạc jazz.

• A crazy, lazy zebra: 1 con ngựa vằn điên, lười biếng.

• Busy bees are buzzing above the daisies: Những con ong bận rộn đang ù ù phía trên những bông hoa cúc.

Chú ý mẹo khi học:

• Ghi âm lại phát âm của bạn: Đây là một cách vô cùng hữu hiệu, càng ghi âm nhiều bạn sẽ càng nhận ra được sự khác nhau của các lần phát âm, phân biệt được giữa đúng và sai, từ đó rút kinh nghiệm, và thực hành tốt hơn.

• Nhờ người giỏi hơn chỉ dẫn: Nếu như bạn không chắc chắn với phát âm của mình, tự học không thành công, vẫn chưa cảm thấy tự tin, thì cách tốt nhất là cắp sách tới hỏi người giỏi hơn để xin chút kinh nghiệm nhé. Học từ người đi trước luôn là một cách hữu hiệu đúng không?

• Nghĩ trước khi nói: Đôi lúc, bạn có thể nói đúng theo bản năng, nhưng đôi lúc bản năng lại khiến bạn phát âm sai, đó chính là lý do tại sao chúng ta phải nghĩ trước khi nói, trau chuốt từng lời nói, phát âm sẽ khiến bạn tiến bộ hơn trông thấy đó!

Bước 3: Tổng kết

Mong rằng sau bài học này, các bạn có thể nhận ra và cải thiện các lỗi sai phát âm mà bạn đã từng, hoặc hay gặp phải khi nói tiếng Anh. Chúc các bạn có buổi học vui vẻ, hữu ích!

Nguồn: Dân trí

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2019

Học sinh có tối đa 4 tiết tiếng Anh mỗi tuần theo chương trình mới

Chương trình Làm quen tiếng Anh lớp 1-2 được thiết kế hai tiết mỗi tuần. Ba khối tiếp theo học bốn tiết mỗi tuần, còn lại chỉ học ba tiết. 

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới được công bố hôm 27/12, tiếng Anh là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Trước đó, trong hai năm đầu ở bậc tiểu học, học sinh sẽ được làm quen với môn học này. 

Hoc tieng Anh


Mục tiêu cơ bản của môn tiếng Anh là giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và kiến thức ngôn ngữ, như: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp; qua đó giúp các em đạt Bậc 3 khi kết thúc cấp THPT theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Đồng thời, môn tiếng Anh bậc phổ thông giúp học sinh hiểu biết khái quát về đất nước, con người và nền văn hóa của một số quốc gia nói tiếng Anh. 

Nội dung dạy học trong chương trình môn tiếng Anh (từ lớp 3 đến 12) được thiết kế theo kết cấu đa thành phần, bao gồm hệ thống các chủ điểm, chủ đề; các năng lực giao tiếp liên quan đến chủ điểm, chủ đề; và danh mục kiến thức ngôn ngữ. Nội dung văn hóa được dạy lồng ghép, tích hợp trong đó. 

Các chủ điểm được đưa ra phù hợp với từng cấp học, có liên quan chặt chẽ với nhau và được thiết kế lặp lại có mở rộng qua các năm học ở mỗi cấp theo hướng đồng tâm xoắn ốc nhằm củng cố và phát triển năng lực giao tiếp của học sinh. 

Tên gọi của các chủ điểm có thể được thay đổi theo cấp học nhằm đáp ứng nhu cầu, mối quan tâm của học sinh. Ban soạn thảo đưa ra gợi ý về các chủ điểm ở cấp tiểu học như Em và những người bạn của em, Em và trường học của em, Em và gia đình em, Em và thế giới quanh em. Với cấp THCS, các chủ điểm sẽ là Cộng đồng của chúng ta, Di sản của chúng ta, Thế giới của chúng ta, Tầm nhìn tương lai. Cấp THPT có: Cuộc sống của chúng ta, Xã hội của chúng ta, Môi trường của chúng ta, Tương lai của chúng ta. 

Hệ thống chủ đề được xây dựng trên cơ sở các chủ điểm sao cho có thể bao phủ hết chương trình giáo dục phổ thông. Chủ đề được lựa chọn theo hướng mở. Ví dụ, với chủ điểm Di sản của chúng ta, tác giả sách giáo khoa có thể đưa vào các chủ đề như kỳ quan và địa danh nổi tiếng, lễ hội, phong tục và tập quán, thức ăn và đồ uống, âm nhạc và mỹ thuật... 

Cũng tùy vào từng chủ đề, chủ điểm, các năng lực giao tiếp được lựa chọn sao cho phù hợp. 

Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Anh cho phép sử dụng nhiều phương pháp, nhấn mạnh vào việc hình thành và phát triển năng lực giao tiếp của học sinh, khả năng sử dụng các quy tắc ngữ pháp để tạo ra các câu đúng và phù hợp thông qua kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Về thời lượng, chương trình Làm quen tiếng Anh với mục tiêu giúp học sinh bước đầu có nhận thức đơn giản nhất được thiết kế với hai tiết mỗi tuần. Từ lớp 3 đến lớp 5, học sinh học bốn tiết mỗi tuần. Ở cấp THCS và THPT, các em học ba tiết mỗi tuần. Tổng thời lượng học tiếng Anh từ lớp 3 đến 12 là 1.155 tiết 

Nguồn: vnexpress

 
function remove_hentry( $classes ) { if (is_page() || is_archive()){$classes = array_diff( $classes, array('hentry'));}return $classes;} add_filter( 'post_class','remove_hentry' );